Công Thức Sản Xuất Và Làm Cửa Nhựa Lõi Thép
Chào tất cả các bạn! Hôm nay mình xin giới thiệu đến các bạn một bài viết trong mục sản xuất nói về công thức làm cửa nhựa lõi thép, để các bạn có thể tìm hiểu khi bước vào phần học sản xuất cửa nhựa uPVC.
Đây cũng là bài viết đầu tiên trong mục học sản xuất của mình, theo mình tìm hiểu thì việc tìm công thức làm cửa này cũng khá nhiều bạn tìm kiếm trên google. Vậy có hay không công thức làm cửa nhựa lõi thép? Mình xin trả lời các bạn thực ra không có một công thức tính toán sẵn nào để cho các bạn tìm hiểu và về sản xuất ngay và luôn được cả. Vì sao mình nói như vậy, nếu các bạn đã học phần 1 về thanh nhựa của mình thì chắc các bạn sẽ hiểu tại sao, nếu các bạn chưa thì mình xin trả lời như sau: Để sản xuất cửa nhựa lõi thép thì tất nhiên các bạn phải có thanh nhựa, mà thanh nhựa có rất nhiều công ty sản xuất ra nó, mỗi công ty có 1 kích thước khác nhau.
Để mình ví dụ cho dễ hiểu: Công ty A sản xuất ra cây khung bao cửa đi có kích thước 70mm. Công ty B cũng sản xuất ra 1 cây khung bao cửa đi nhưng kích thước nó chỉ 60mm. Nên tính ra để cắt cánh cửa sẽ khác nhau, tuy nhiên cũng có 1 số công ty sản xuất ra những thanh nhựa có cấu tạo giống nhau điển hình như một số thanh nhựa được sản xuất tại Việt Nam.
Như ví dụ ở trên thì các bạn hiểu tại sao không có một công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép rõ ràng rồi phải không. Để tìm hiểu thêm về thanh nhựa các bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết này của mình: Tìm hiểu về thanh nhựa uPVC. Để có một công thức sản xuất cửa nhựa cho riêng mình các bạn nên tìm hiểu về mặt cắt thanh nhựa mà các bạn sẽ sản xuất như: Kích thước từng mặt, kích thước hèm... như mình có nói qua một số bài tại phần 1 thanh nhựa, các bạn có thể xem trên meu để tìm phần 1 đó. Bây giờ mình sẽ nói sơ qua để các bạn có thể tạo ra một công thức cửa cho riêng mình. Mình sẽ minh họa bằng hình mặt cắt cửa thanh nhựa có nhãn hiệu Sparlee nhé.
Như hình ở trên thì bên tay phải là cây khung bao cửa sổ, ở giữa là thanh cánh cửa sổ mở ra vào, bên tay trái là nẹp và kính. Khi nhìn vào hình ta sẽ thấy kích thước 2 mặt, chỗ mà có con số 20 thì ta có thế lấy mặt to trừ đi mặt nhỏ là ra. Cái số đo đó khi nào cần tính ra kích thước kính trước khi sản xuất cửa thì ta mới cần phải chú ý thôi, nên các bạn không cần để ý ở bài này mà tập trung giúp mình mấy cái mình để chữ nghiêng. Như ở phần 1 mình đã nói các bạn nhớ chú ý về các kích thước mặt cắt rồi nên mình không nói thêm nữa. Cái hình này mình chỉ minh họa thôi không được áp dụng khi sản xuất nhé, và thanh nhựa mình áp dụng là thanh Sparlee. Còn muốn có kích thước mặt cắt thì các bạn có thể xin từ nhà phân phối thanh nhựa cho các bạn hay tìm hiểu từ catologue của công ty sản xuất thanh nhựa đó. Bây giờ mình sẽ ghép thanh mặt cắt ngang của 1 bên cái cửa sổ.
Đây là hình mình ghép bằng bản vẽ và một hình thực tế để các bạn dễ hình dung (hình thực tế thanh cánh là cánh cửa sổ mở vào trong). Các bạn có thấy số 8 và 32 không. Số 8 đó là 8mm đó là số đo cánh ngậm vào khung bao cửa sổ ở mặt nhỏ hay khung bao ngậm vào cánh. Thông thường thì cánh ngậm vào khung bao là 8mm, chúng ta có thể cho ngậm lên 9mm, 10mm hoặc 7mm chỉ trong khoảng này thôi nhé các bạn. Vì phụ kiện đã sản xuất đã đồng bộ rồi nên khổng thể hơn nữa, trừ khi chúng ta chế thôi. Ngậm càng nhiều đồng nghĩa việc cắt thanh nhựa và máy hàn phải cực kỳ chuẩn, không có sự sai lệch thì mới có thể làm được không thì mất thời gian làm lại. Giờ mình sẽ nói cách tạo ra công thức làm cửa nhựa lõi thép, các bạn tập trung giúp mình nhé.
Như ở mặt nhỏ kích thước là 40mm và khi cánh ngậm vào mất 8mm thì đoạn hở của mặt nhỏ chỉ còn 32mm. Và đây chỉ là 1 bên của cửa sổ, nếu 2 bên thì đoạn hở của mặt nhỏ của khung bao sẽ là 64mm. Giờ mình lấy ví dụ: Cửa sổ 1 mở quay ra ngoài khi đo ô chờ và đã trừ hao có kích thước rộng 800mm x cao 1000mm. Giờ ta sẽ tính ra kích thước của khung bao và cánh như sau.
- Khung bao thì ta có kích thước rộng 800mm và cao 1000mm mỗi loại 2 cây.
- Cánh thì ta có như sau: rộng 800 - 64 = 736mm 2 cây, cao 1000 - 64 = 936mm 2 cây.
Đó là kích thước cửa sau khi sản xuất còn để cắt thì ta phải cộng thêm số đo khi hàn ép chảy ra nữa. Tùy loại máy hàn mất bao nhiêu thì ta cộng thêm bấy nhiêu. Ví dụ hàn 1 đầu mất 3mm thì 2 đầu sẽ là 6mm thì 800 + 6 = 806 khi hàn xong nó sẽ rút lại đúng 800.
Trên đó là ví dụ để các bạn có thể hình dung và tự tạo ra công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép cho riêng mình, theo thanh nhựa và máy móc mà các bạn làm. Ngoài ra các bạn cần chú ý thêm giúp mình cấu tạo của bộ cửa để cộng trừ cho chính xác. Vì ở trên là bộ cửa 1 cánh, còn cửa 2 cánh, 4 cánh sẽ phải làm khác nhưng cách tính ngậm vào khung bao thì vẫn thế. Để tìm hiểu về cấu tạo các bộ cửa các bạn có thể xin catalogue từ nhà phân phối, hay tham quan các sản phẩm của công ty khác, hay tìm kiếm catologue trên mạng của công ty cung cấp thanh nhựa uPVC mà các bạn sản xuất.
Mình xin tạm ngưng bài viết này tại đây, mình chỉ hướng dẫn các bạn cách tạo ra công thức làm cửa nhựa uPVC, còn để làm các loại cửa khác mình sẽ hướng dẫn thêm ở các bài viết trong mục sản xuất của website mình. Nếu các bạn chưa hiểu có thể để lại bình luận bên dưới mình sẽ giải đáp cho các bạn, nếu các bạn thấy hay hãy chia sẽ lên facebook, zalo... để các bạn khác cùng tìm hiểu nhé. Cám ơn các bạn.