B9: Những Lưu Ý Khi Làm Cửa Đi 4 Cánh Nhựa Lõi Thép uPVC

Những nhược điểm và những chú ý khi làm cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép uPVC cho chính ngôi nhà của các bạn.

Tiếp tục với serie hướng dẫn chọn cửa nhựa lõi thép. Bài số 9 này mình sẽ nêu lên những nhược điểm của loại cửa đi 4 cánh được sản xuất từ nhựa uPVC. Ngoài ra, mình sẽ hướng dẫn cách khắc phục những nhược điểm đó. Điều này sẽ giúp các bạn có một bộ cửa đi 4 cánh tốt hơn rất nhiều lần. Do loại cửa này cũng có mấy kiểu mở như mở ra vào mỗi bên 2 cánh, hay là cửa xếp trượt một bên 3 và một bên 1, hay là cửa trượt qua lại. Ở đây chỉ có loại cửa đi 4 cánh mở ra vào mỗi bên 2 cánh được sử dụng nhiều và nhiều nhược điểm nhất. Chính vì thế mình chỉ nói cửa 4 cánh có kiểu mở này để các bạn nắm rõ và có kinh nghiệm hơn.

Hình ảnh vài bộ cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép uPVC
Hình ảnh vài bộ cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép uPVC

Những nhược điểm của cửa đi 4 cánh mở ra vào sản xuất từ nhựa uPVC

Nếu tính về chính xác cửa nhựa uPVC này không cho phép làm loại cửa 4 cánh mở mỗi bên 2 - 2. Mà phải làm loại cửa có kiểu mở xếp trượt mới chính xác. Tuy nhiên nhiều người lại không thích loại cửa này, nên mới có kiểu mở 4 cánh 2 -2. Chính vì thế mà kiểu mở này làm cho cửa đi 4 cánh nhựa uPVC có nhiều nhược điểm. Chưa kể đến thợ tay nghề kém, hay làm ẩu, và các linh kiện vật tư sản xuất là hàng đểu. Tính ra mà nếu tổng hợp nhược điểm + với hàng đểu, tay nghề kém thì sẽ không có loại cửa 4 cánh nào tệ hơn loại cửa này. Nên mình mới ngồi viết bài này để các bạn nghiên cứu và có một bộ cửa 4 cánh tốt hơn. Thì ở đây mình sẽ nói đến những nhược điểm trước, rồi sau đó mình mới nói đến cách xử lý để các bạn dễ hiểu.

  • Xệ cánh: Đây là nhược điểm lớn nhất của cửa đi 4 cánh sản xuất từ nhựa uPVC. Ở bài số 8: Những Giải Pháp Và Cách Khắc Phục Xệ Cánh Cửa Nhựa Lõi Thép mình cũng đã nói về vấn đề chung cho toàn bộ loại cửa nhựa lõi thép. Nhưng đối với cửa đi 4 cánh thì tình trạng xệ cánh xảy ra lên đến 100%. Nguyên nhân xệ cánh mình cũng đã nói rất rõ ở bài 8, tuy nhiên cửa 4 cánh sẽ bị nặng hơn do có thêm 1 cánh đeo lên.
  • Không an toàn: Nói đến vấn đề an toàn thì cũng là một nhược điểm của sản phẩm này. Tuy nhiên vấn đề an toàn liên quan đến thi công, tay nghề, hàng hóa. Có nghĩa là do thi công ẩu, thợ tay nghề kém, hàng hóa thì sử dụng loại kém chất lượng, kết hợp phụ kiện không đúng... Nói chung là hàng đểu là không an toàn.

Đó là 2 nhược điểm của cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép mà các bạn cần lưu ý nhất. Giờ mình sẽ hướng dẫn các bạn làm giảm các tình trạng đó. Các hướng dẫn và xử lý này nếu áp dụng cho các đơn vị thi công thì các bạn có bộ cửa chất lượng hơn, đỡ phải bảo hành tốn kém. Còn với người sử dụng thì có kinh nghiệm trong việc chọn lựa, kinh nghiệm thi công để áp dụng cho các đơn vị thi công. Tránh mua phải hàng kém chất lượng mà tốn tiền tốn của còn rước sự khó chịu khi sử dụng.

Cách xử lý các nhược điểm ở cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép uPVC

Cách xử lý này ngoài giúp cho các bạn mà thi công sản xuất làm ra bộ cửa tốt hơn, chất lượng. Còn các bạn có nhu cầu sử dụng cũng biết cách mà phòng tránh, và sử dụng làm giải pháp áp dụng cho bên thi công làm theo. Những cách xử lý này mình cũng xin đảm bảo là rất hữu hiệu, và chắc chắn là cửa đi 4 cánh sẽ chất lượng hơn rất nhiều. Tuy nhiên có một vấn đề đó chính là liên quan đến giá, có nghĩa là giải pháp của mình thì giá cửa nhựa lõi thép sẽ tăng lên. Tuy nhiên nếu bạn không áp dụng thì có thể mất nhiều tiền hơn nữa cho sửa chữa, có khi phải vứt luôn cả bộ cửa.

Cửa đi 4 cánh không bị xệ
Hình ảnh thử đu cửa đi 4 cánh mà không bị xệ

Cách phòng tránh xệ cánh ở cửa đi 4 cánh:

Thì bài 8 mình cũng đã nói về một số cách xử lý xệ cánh, nếu bạn chưa đọc có thể xem lại. Ở đây mình sẽ nói thêm cách làm, và thêm các phương án. Phương án chính để phòng tránh xệ cánh ở cửa đi 4 cánh vẫn là bơm keo. Như cửa nhôm cũng xệ cánh nhưng nhờ có bơm keo này mà không bị xệ, chính vì thế mà áp dụng cách này rất hữu hiệu cho loại của này.

Về cách làm và bơm keo thì trước khi vào kính cánh, các bạn chỉnh các khe hở giữa các cánh cho đều sau đó bắt tất cả các phụ kiện. Các bạn không cần quan tâm đến độ cao thấp ở giữa 2 cánh, mà chỉ quan tâm đến cao thấp phía trong của 2 chân khung bao. Sau khi chỉnh xong các bạn dùng nêm kê dưới đáy cánh sao cho cao nhỉnh hơn phía trong khung bao khoảng 3ly là được. Các bạn lưu ý quan trọng nhất là 2 cánh trong cùng nhé, vì 2 cánh này là chịu lực lớn nhất nên cần phải chuẩn.

Sau khi kê và nêm các bạn nhìn vào thấy đều và chuẩn rồi thì sẽ tiến hành đưa kính vào, trước khi đóng nẹp ngang các bạn bơm keo đùn vào phía sau kính ở cái hèm ron cao su. Đôi với 2 cánh trong thì các bạn bơm nhiều hơn 1 tý, càng nhiều các chắc, nhớ chọn loại keo axit tốt cho nhanh khô và bám dính tốt. Nếu muốn chắc chắn hơn nữa thì các bạn bỏ ron cao su và thay vào đó là bơm keo. Kết hợp cả 2 loại này vào thì khỏi lo xệ cánh, đu lên cũng không bị xệ. Các bạn lưu ý việc kê cửa tối thiểu phải 1 ngày trở lên càng lâu càng tốt để cố định cho keo khô chết.

Có một điều các bạn cần lưu ý khi làm cửa 4 cánh thì lõi thép phải có độ dày 1.5ly trở lên. Sử dụng các hãng phụ kiện có chất lượng khá trở lên, còn dùng hàng đểu thì cũng coi như vứt đi.

Cách bảo đảm an toàn cho cửa đi 4 cánh

An toàn ở đây là chống trộm, mình cũng có một bài nói về vấn đề này rồi đó chính là bài số 4: Mức Độ An Toàn Chống Trộm Của Cửa Nhựa Lõi Thép. Để đảm bảo hơn thì minh sẽ đưa ra một số giải pháp để các bạn có thể áp dụng để đảm bảo hơn khi dùng cửa đi 4 cánh này.

Vấn đề cạy cửa thì khi các bạn bơm keo chống xệ đã giảm được, vi khi keo khô và dính chắc chắn thì độ đàn hồi của nhựa cũng giảm hẳn. Giờ chỉ còn ở phần phụ kiện như khóa và chốt. Rất nhiều bạn nghĩ khóa đa điểm rất an toàn, mình xin khẳng định loại đó chỉ dùng phụ kiện tốt như Roto vấu có ngàm. Chứ dùng của GU và GQ vấu trơn thì chỉ dùng cho mục đích cách âm thì được, còn không lấy đục cạy một phát là ra. Chính vì thế để đảm bảo an toàn các bạn nên dùng khóa đa điểm lẫy gà hay tăng cường thêm pass khóa bấm. Còn loại chốt giữ các cánh phụ nên chọn loại cứng cáp như chốt bật của Kinlong. Các chốt khi đóng lại phải ăn sâu vào lỗ chốt. Còn một phần nữa đó chính là bản lề, bản lề phải có vít giữ nắp để tránh trường hợp tháo nắp và tháo vít bản lề.

Hình ảnh một số loại khóa dùng cho cửa nhựa lõi thép
Hình ảnh một số loại khóa dùng cho cửa nhựa lõi thép

Thì đó chính là những gì mình các bạn cần lưu ý khi làm cửa đi 4 cánh nhựa lõi thép uPVC. Với những phương án trên các bạn có thể áp dụng cho tất cả các loại cửa nhựa lõi thép mở ra vào để đảm bảo, chứ không riêng gì mỗi loại cửa đi 4 cánh. Mình xin tạm dừng bài hướng dẫn này tại đây, các bạn có gì thắc mắc hay đóng góp bổ sung có thể để lại bình luận phía dưới bài viết. Sắp tới mình sẽ ra nhiều bài viết hơn về cách chọn cửa nhựa lõi thép, cửa nhôm kính cho người sử dụng. Mong các bạn ủng hộ và đóng góp ý kiến giúp mình để làm tăng mức độ phong phú.

Minh Nguyễn

Tư vấn - Lắp đặt khóa điện tử. Phụ kiện cửa nhôm cao cấp Mono Bogo Draho hardware.